Lập luận mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đưa ra rằng, thời đại ngày nay là thời đại của chủ nghĩa tư bản (CNTB), còn thời đại CNXH đã chấm dứt khi CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Hay một ngụy biện khác chúng cho rằng Việt Nam muốn lên CNXH thì phải trải qua chế độ CNTB mới đúng quy luật. Đó là một lập luận xảo quyệt, thâm độc vì chúng lấy một hiện tượng (mô hình CNXH cụ thể ở Liên Xô đã sụp đổ) để quy bản chất về sự kết thúc của thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Một thực tế được Đảng ta thẳng thắn, nhìn nhận đánh giá khách quan trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) là hiện nay do tranh thủ, nắm bắt về khoa học - công nghệ và chiếm ưu thế trong phát triển nền kinh tế tri thức, nên CNTB vẫn còn tiềm năng phát triển và đang thắng thế, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công, “Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”.
Năm 1930, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và dân chủ nhân dân để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Việc lựa chọn chế độ như trên là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan, vì chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra tính tất yếu thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội, lần lượt từ xã hội công xã nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội TBCN và cao nhất là xã hội chủ nghĩa cộng sản (XHCN cộng sản chia làm 2 giai đoạn: xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa). Chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra rằng, để chuyển sang chế độ CNXH, có 2 cách thức: quá độ trực tiếp (từ CNTB lên CNXH) và quá độ gián tiếp (bỏ qua chế độ TBCN, chuyển thẳng lên chế độ XHCN). Trong 2 hình thức quá độ trên, thì quá độ gián tiếp lên CNXH gặp nhiều khó khăn hơn quá độ trực tiếp, vì cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã cố tình hiểu sai vấn đề, khi chủ nghĩa Mác - Lênin phát hiện ra tính tất yếu thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội như nêu trên là xét về bình diện trên phạm vi toàn thế giới. Còn khi xét ở từng quốc gia, các ông cho rằng tùy điều kiện cụ thể của mỗi nước mà có thể bỏ qua một hoặc hai hình thái kinh tế - xã hội, như nước Mỹ đã bỏ qua chế độ phong kiến, từ chế độ chiếm hữu nô lệ chuyển thẳng sang chế độ TBCN, hay ở Việt Nam bỏ qua chế độ TBCN, từ chế độ thuộc địa nửa phong kiến chuyển thẳng lên chế độ XHCN.
Hiện nay, “CNXH lâm vào thoái trào, nhưng một số nước theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển” (trích Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Thành tựu 30 năm đổi mới cho thấy thế và lực của Việt Nam không ngừng lớn mạnh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá do nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và đề ra nhiều giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại cố tình vin vào đó để phủ nhận thành quả đạt được, chúng lấy hiện tượng để quy bản chất. Nhất là khi Đảng ta xác định nền kinh tế hiện nay của nước ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam đang đi theo quỹ đạo của chúng, vì kinh tế thị trường là của chế độ CNTB. Cách lập luận này rất ngây thơ, nhưng lại khiến không ít người rơi vào bẫy vì thiếu suy xét. Thực tế lịch sử đã chứng minh, nền kinh tế thị trường là thành quả của nhân loại, xuất hiện khi nền kinh tế hàng hóa phát triển cao. Và nó ra đời ở chế độ TBCN, nên nhiều người lầm tưởng là của CNTB.
Ngày nay, với việc phát triển của khoa học - công nghệ, của nền kinh tế tri thức tạo ra xã hội thông tin, thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh như vũ bão. Chỉ cần một cái nhấn chuột, mọi thứ đều đổi thay. Chính vì vậy, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ngày đêm tận dụng, khai thác mảnh đất màu mỡ của mạng xã hội để đăng đàn đả phá, vu cáo, nói xấu chế độ ta, dù có nhiều chiêu bài, thủ đoạn khác nhau nhưng tất cả đều nhắm đến mục đích là thay ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH.
Thủ đoạn trên là một trong những nguyên nhân cơ bản làm CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam cần khắc cốt, ghi tâm bài học sâu sắc này và thấm nhuần quan điểm của Đảng nêu rõ tại Văn kiện Đại hội XII là cả hệ thống chính trị và mỗi người dân phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tác giả bài viết: Nhật Hạ
Nguồn tin: Theo Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc