Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Nông dân Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” giai đoạn 2016 - 2020
Căn cứ Kế hoạch số 260-KH/UBND ngày 07/11/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Hội Nông dân triển khai thực hiện Cuộc vận động “Nông dân Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với mục đích nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp của giai cấp nông dân Bình Phước nói chung và cán bộ, hội viên nông dân nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử trong cán bộ, hội viên nông dân, hướng tới xây dựng giai cấp nông dân và người nông dân Bình Phước ngày càng chuẩn mực, văn minh, hiện đại.
Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Nông dân Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” song song với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, nêu gương “Người tốt, việc tốt” làm cho phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Theo Kế hoạch nội dung tiêu chí thực hiện như sau:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan: Luôn gương mẫu, lắng nghe, tận tâm, trung thực, tận tụy với công việc được giao, cố gắng nỗ lực thi đua phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Khi giao tiếp phải luôn có thái độ, cử chỉ, lời nói chuẩn mực, khiêm tốn, vui vẻ, lịch sự và tuân thủ các quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Đối với hội viên và nông dân: Hăng hái thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng; tích cực đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp. Nông dân Bình Phước sống có ý chí và nghị lực, thanh bạch, thanh liêm với của cải vật chất, thanh đạm trong cuộc sống, thanh nhã trong mọi cử chỉ, hành động, hiền hòa, chân chất, thật tình trong giao tiếp, cư xử.
“Nói lời hay”: Khi nói, ngôn ngữ sử dụng phải trong sáng, phù hợp thuần phong mỹ tục, thể hiện nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Khi giao tiếp phải có thái độ, cử chỉ thân thiện, lịch sự, lời nói chuẩn mực, khiêm tốn, vui vẻ, ân cần, cầu thị, nhường nhịn, vị tha; cảm thông, chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, hỗ trợ.
“Làm việc tốt”: Thực hiện tốt các quy định, quy chế, hương ước, quy ước của cộng đồng, địa phương. Thân thiện, lịch sự, giúp đỡ người tàn tật, người già yếu, neo đơn, phụ nữ có thai và trẻ em; sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ mọi người. Tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Động viên mọi người luôn đoàn kết, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Đoàn kết, tôn trọng người cao tuổi, yêu thương trẻ thơ. Chân thành giúp đỡ mọi người, người khuyết tật khi lên tàu, xuống xe. Không hút thuốc lá, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng. Sống có trách nhiệm, bình đẳng, cảm thông, chia sẻ khó khăn.
Nâng cao đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh; khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước, hương ước ở cộng đồng.
Trong gia đình: “Con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh em hòa thuận; vợ chồng thủy chung”; phát huy lòng yêu nước, yêu quê hương, hiếu nghĩa, hiếu học, thủy chung, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn.
Tác giả bài viết: Hoàng Lan