Chương trình Hành động của Ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh: LÊ THỊ ÁNH TUYẾT

Thứ năm - 05/05/2016 23:42 861 0
Trang TTĐT Tỉnh ủy Bình Phước đăng toàn văn Chương trình hành động của bà Lê Thị Ánh Tuyết - ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.
Kính thưa:   

Đại diện Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;

Quý vị đại biểu;

Quý cử tri!
 
Tôi tên là : Lê Thị Ánh Tuyết , sinh ngày 05/11/1975;
 
Chức vụ hiện nay: Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bình Phước.
 
Trình độ chuyên môn: Cử nhân Kinh tế Nông nghiệp; Thạc sỹ Quản lý hành chính công.
 
Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp.
 
Hiện nay, tôi đang tham gia làm UV. BCH Hội Nông dân tỉnh; UV.BCH Hội Hữu nghị Việt Lào.
 
Tôi đã lập gia đình và hai con nhỏ, cư ngụ tại Tổ 2, khu phố 3, phường Tân đồng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
 
Tôi được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021;
 
Trước tiên, tôi xin cám ơn UBMT Tổ quốc, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho tối được tiếp xúc với quý cử tri tại đơn vị bầu cử thị xã Đồng Xoài. Tôi kính chúc quý vị đại biểu, quý cử tri luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!
Kính thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể cử tri!
 
Tỉnh Bình Phước chúng ta là tỉnh nông nghiệp miền núi có đất đai phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, tiêu, cà phê, cao cao và một số loại cây hang năm khác. Đất nông nghiệp 440.380,87ha (chiếm 60% diện tích đất tự nhiên), tổng giá trị ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao gần 50% GDP của tỉnh. Tổng dân số 893.353 người, trong đó số người đang ở độ tuổi lao động chiếm 57,66% so với quy mô dân số thì lực lượng lao động của tỉnh rất dồi dào và dạt ngưỡng dân số vàng.
 
Riêng đối với thị xã Đồng Xoài, là một đô thị mới đang vươn mình phát triển với rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dần thu hẹp lĩnh vực nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng nâng giá trị. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 16.770 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 13.866 ha, diện tích cây trồng chủ lực của thị xã chiếm hơn 10.000 ha, trong đó chủ yếu vẫn là cây công nghiệp dài ngày như cao su(7.785ha), điều (1.972ha); diện tích còn lại là cây ăn trái các loại. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng rất phát triển với nhiều trang trại chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Như vậy, bức tranh kinh tế của thị xã cũng mang nhiều dáng dấp của nông nghiệp. Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, chúng ta vẫn cơ bản dựa trên nền tảng của nông nghiệp và nông nghiệp sẽ làm “bà đỡ” cho công nghiệp và dịch vụ phát triển. Đặc biệt, địa phận của thị xã Đồng Xoài chúng ta rất gần với các đô thị lớn như Binh Dương, Đồng Nai, Thành phố HCM. Chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ từ những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn của tỉnh để cung cấp cho các đô thị lớn này.
 
Mặc khác, người dân của thị xã chúng ta, ngoài một số hộ kinh doanh, dịch vụ, còn rất nhiều người dân ở Đồng Xoài nhưng canh tác tại Đồng Phú và các huyện lân cận. Vì vậy trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thị xã chúng ta cần có cơ chế hỗ trợ cho nông dân phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị và nông nghiệp nông thôn.
 
Được sự tín nhiệm của cử tri, tôi xin trình bày một số vấn đề mà tôi quan tâm khi thực thi công vụ và khi trở thành người đại biểu nhân dân:
 
1/ Gần dân, thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của người dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân để đưa vào kế hoạch làm việc của bản thân; Đưa tiếng nói của người dân đến diễn đàn cử tri, đến cuộc họp của HĐND tỉnh; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành để giải quyết kiến nghị của người dân  nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhân dân.
 
2/ Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, có chính kiến, cùng với cử tri tham gia thảo luận, chất vấn những vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm, đặc biệt là những vấn đề vế phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
3/ Cùng với chính quyền địa phương quan tâm chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là những gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo… góp phần cùng với chính quyến địa phương thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
 
Các giải pháp để thực hiện các vấn đề nêu trên:1/ Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, phường để rà soát, vận dụng các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là chính sách phát triển, cung cấp các dịch vụ trong nông nghiệp.  
 
Tuyên truyền đến người dân những mô hình sản xuất hiệu quả là những mô hình của nông dân. Từ đó nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trên cơ sở kết hợp tham quan, tập huấn theo chức năng, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông.
 
3/ Hỗ trợ chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về tổ chức sản xuất và tiêu chí thu nhập.
 
4/ Xây dựng một số mô hình liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất. Qua đó ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật hỗ trợ đầu vào của sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thúc đẩy phát triển dịch vụ tiêu thu sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
 
5/ Phối hợp với các cơ quan ban ngành để phản ánh những vấn đề mà cử tri quan tâm và phản hồi kết quả giải quyết của các cơ quan trong thời gian nhanh nhất có thể.
 
Cuối cùng, một lần nữa xin cám ơn UBMTTQ VN tỉnh, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho tôi có buổi tiếp xúc ngày hôm nay. Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức để phục vụ nhân dân và mong rằng cử tri tín nhiệm tôi cho tôi là phiếu của mình để tôi trở thành người đại biểu nhân dân. Nếu trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi có nhiều cơ hội để cống hiến sức trẻ và năng lực của mình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phục vụ nhân dân được tốt hơn.
 
Xin cám ơn!
 

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây